Dùng phấn

Dùng phấn

Dùng phấn

  • Tên khoa học : Bambusa chungii McClure, 1936
  • Họ : Hoà thảo - Poaceae
  • Bộ : -
  • Nhóm loài cây LSNG:
  • Phân bố :

  • Dùng phấn
    Tên khoa học: Bambusa chungii McClure, 1936
    Tên đồng nghĩa: Lingnania chungii (McClure) McClure McClure, 1940
    Tên khác: Dùng, tre phấn, mạy dùng (Tày- Lạng Sơn)
    Họ: Hoà thảo – Poaceae
    Phân họ: Tre – Bambusoideae
    Đặc điểm hình thái
    Thân ngầm dạng củ, thân khí sinh mọc cụm. Thân đứng thẳng, ngọn hơi cong, chiều cao 5-10m, đường kính 3-5cm, lóng lúc non phủ sáp màu trắng, không lông, thường dài 30-45cm, lóng dài nhất có thể đến 1m, bề dầy vách thân 3-5mm, vòng thân phẳng, vòng mo hơi nổi; lúc đầu phía dưới đốt có một vòng với nhiều lông gai màu nâu hướng xuống, sau dần dần không lông. Bẹ mo rụng sớm, mỏng, cứng, sau khi rụng để lại một vòng hẹp; lúc non mặt lưng phủ sáp trắng và có lông gai nhỏ, thưa; sau lông gai rụng đi, làm cho phần trên mặt lưng bẹ mo nhẵn; nhưng phía gốc vẫn có lông mềm màu nâu đen tồn tại. Tai mo hình dải hẹp, mép có lông mi màu nhạt, dài mảnh có ánh bóng; lưỡi mo cao khoảng 1,5mm, đầu cắt bằng hay nổi lên, mép trên có răng lược hay có lông mi dài; phiến mo màu lục vàng nhạt, lật ra ngoài, dễ rụng, hình lưỡi mác dạng trứng, đầu nhọn và mép cuộn vào trong, gốc hình tròn thu hẹp, bề rộng đáy bằng khoảng 1/5 đầu bẹ mo, mặt lưng ít nhiều có lông gai nhỏ mọc dày, mặt bụng có lông và hơi ráp. Cây phân cành cao, thường bắt đầu từ đốt thứ 8, ít hoặc nhiều cành mọc cụm, kích thước gần bằng nhau, không lông, nhưng phủ sáp; cành nhỏ thường mang 7 lá; bẹ lá không lông, phiến lá khá dày, hình lưỡi mác đến lưỡi mác dài, hai bên gốc không đối xứng, thường dài 10-16cm, rộng 1-2cm, mặt trên nháp, mặt dưới lúc đầu phủ lông nhỏ, sau trở nên không lông, đầu nhọn, gân cấp hai 5-6 đôi.
     Cụm hoa rất dài, nhỏ, không lá, mỗi đốt thường mang 1-2 bông nhỏ, hình trứng rộng, có thể dài tới 2cm, không lông, đầu nhọn, chứa 4 hay 5 hoa nhỏ, phình to, một hay hai hoa phía dưới cùng khá to, 1 hay 2 hoa phía trên bị thoái hoá, có 1 hay 2 phiến lá bắc, mày ngoài hình trứng rộng, dài 9-12mm đầu tù, nhưng có mũi nhọn nhỏ, mặt lưng không lông, mép phủ lông mảnh. Mày trong dài gần bằng mày ngoài, đầu tù hay cắt bằng, mày cực nhỏ 3, gần bằng nhau, đỉnh bầu phủ lông cứng ráp, vòi dài 1-2mm; đầu nhuỵ 3 hay 2, dạng lông vũ thưa. Vỏ quả chưa chín, phần trên cứng, sau khi khô hình tam giác, quả chín hình trứng, dài 8-9mm, màu nâu sẫm, mặt bụng có rãnh.
    Các thông tin khác về thực vật
    Ở nhiều tài liệu về tre nứa trước đây của Việt Nam, dùng phấn thường mang tên khoa học là Lingnania chungii McClure, vì năm 1940, nhà thực vật McClure đã tách chi Lingnania khỏi chi Bambusa Schreb.. Gần đây các nhà thực vật Trung Quốc và thế giới đã không công nhận chi mới này và chỉ xếp Lingnania là một Chi phụ: Subgen. Lingnania (McClure) Chia et H.L. Fung, 1980 trong chi Tre (Bambusa). Việc vẫn giữ tên khoa học cũ Lingnania chungii McClure của loài dùng phấn trong cuốn Danh lục các loài thực vật Việt Nam (2005), tập III, trang 259-260 là bất hợp lý.
    Ở các tỉnh vùng Đông Bắc, thường gặp một loại dùng có đặc điểm hình thái khá giống cây dùng phấn, nhưng thân có kích thước nhỏ hơn. Loài này mọc tự nhiên ở Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang trong các rừng gỗ thứ sinh hoặc đôi khi được nhân dân mang về trồng trong vườn nhà, ven đường đi. Đó là cây dùng nhỏ Bambusa cerocissima McClure.
    Phân bố
    Việt Nam:
    Dùng phấn được nhập vào trồng ở miền Bắc Việt Nam từ rất lâu đời. Trong rừng tự nhiên chưa gặp loài tre này. Cây được trồng nhiều ở vùng Đông Bắc Bắc Bộ (Hà Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang). Hai huyện Sơn Động và Lục ngạn của tỉnh Bắc Giang là nơi tập trung nhiều lùng phấn nhất.
    Thế giới:
    Đây là loài tre đặc hữu của vùng Nam Trung Quốc. Phân bố nhiều ở các tỉnh: Hồ Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông và Quảng Tây.
    Đặc điểm sinh học
    Cây ưa khí hậu nhiệt đới mưa mùa, có lượng mưa cao, nhiệt độ trung bình năm 18-250C, địa hình đồi núi trung bình, độ cao dưới 500m so với mặt biển. Cây ưa đất feralite đỏ vàng phát triển trên sa thạch hoặc phiến thạch sét. nhưng cũng phát triển tốt trên đất phù sa ven sông suối có độ ẩm cao. Đông Bắc Việt Nam là vùng thích hợp nhất để phát triển loài dùng phấn.
    Dùng phấn thường được trồng từng khóm rải rác ở chân đồi, trên các bãi trống quanh nhà, ven đường đi.
    Tốc độ phát triển của dùng phấn rất nhanh, sau 3 năm trồng là có thể thành bụi lớn và có thể khai thác được. Chưa gặp dùng phấn ra hoa ở Việt Nam.
    Mùa măng từ tháng 6 đến tháng 9.
    Công dụng
    Dùng phấn có lóng dài, nên được dùng để đan phên cót, tăm mành và làm hàng mỹ nghệ. Có thể dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến ván ép, làm sợi và làm giấy. Măng dùng phấn ăn được, nhưng chất lượng không cao và tỷ lệ xơ lớn, nên rất ít khi được người dân sử dụng. Măng dùng không thấy bán trong các chợ địa phương.
    Cây có dáng đẹp vì thân già màu lục sẫm và thân non (dưới 12 tháng) được bao phủ bởi lớp phấn trắng như dát bạc nên có thể trồng làm cây cảnh trong các công viên, vườn gia đình và ven bờ nước...
    Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
    Dùng phấn chủ yếu được trồng bằng hom giống từ gốc. Kỹ thuật trồng giống như trồng hóp sào, hóp cần câu…
    Mùa trồng: Trồng tốt nhất vào mùa xuân, tháng 2-3. Chậm nhất là trồng vào đầu mùa mưa, tháng 4-5.
    Khai thác, chế biến và bảo quản
    Nhân dân khai thác dùng phấn chủ yếu bằng phương pháp khai thác chọn. Các cây khai thác có tuổi 3 trở lên nếu dùng làm nguyên liệu xây dựng. Để lấy nguyên liệu cho công nghiệp giấy hoặc đan lát có thể dùng cây 2 tuổi. Tuyệt đối không chặt cây non dưới 2 tuổi vì ở độ tuổi này cây sinh măng tốt nhất. Nếu khai thác cây non, bụi dùng phấn sẽ bị thoái hoá, vì mất lực lượng chủ yếu sinh măng.
    Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
    Dùng phấn là loài tre không gai, dễ trồng, phát triển tốt ở các vùng có chế độ nhiệt thấp và lượng mưa cao của Việt Nam. Các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế trở ra Bắc có thể trồng loài tre này.
    Nên phát triển dùng phấn để làm nguyên liệu cho các xí nghiệp chế biến hàng mỹ nghệ từ tre trúc. Cũng có thể phát triển loài tre này để làm nguyên liệu giấy cho công nghiệp địa phương. Một số tỉnh đã có kế hoạch phát triển dùng phấn để phục vụ cho công nghiệp giấy. Nên phát triển dùng phấn như một loài cây cảnh trồng trong công viên hoặc vườn gia đình ở các thành phố và đô thị lớn.
    Tài liệu tham khảo
    1. Academia Sinica (1996). Poales. Flora Reipublicae Popularis Sinicae. Tomus 1: 114 & 120-121. Science Press 1966 (Trung van); 2. Lê Viết Lâm (chủ biên) (2004). Một số loài tre chủ yếu của Việt Nam. Đề tài khoa học của Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam; 3. Nguyễn Tiến Bân (chủ biên) (2005). Danh lục các loài thực vật Việt Nam, T.III. Tr.259-2602. Nxb Nông Nghiệp - Hà Nội; 4. Phạm Hoàng Hộ (2000). Cây cỏ Việt Nam. Tập III. Nxb Trẻ. Thành phố Hồ Chí Minh; 5. Vu Van Dung (1978). Thành phần và phân bố các loài tre nứa của Miền Bắc Việt Nam. Tập san Lâm Nghiệp, số 10/1978 - Hà Nội.